Giá trị của sở hữu trí tuệ thường không được đánh giá đầy đủ và tiềm năng của sở hữu trí tuệ trong việc tạo ra những cơ hội mang lại lợi ích trong tương lai dường như cũng chưa được các doanh nghiệp nhận thức đúng mức. Tuy vậy, khi quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ pháp lý và trên thị trường có nhu cầu về các loại sản phẩm và/hoặc dịch vụ được bảo hộ sở hữu trí tuệ thì khi đó sở hữu trí tuệ sẽ trở thành một tài sản kinh doanh có giá trị.
Sở hữu trí tuệ là tài sản của doanh nghiệp
Tài sản của doanh nghiệp có thể được chia làm hai loại chính: tài sản hữu hình – bao gồm nhà xưởng, máy móc, nguồn vốn và cơ sở hạ tầng – và tài sản vô hình – bao gồm nguồn nhân lực, bí quyết kỹ thuật, ý tưởng, nhãn hiệu, kiểu dáng và những kết quả vô hình khác có được từ khả năng sáng tạo và đổi mới của họ. Theo truyền thống, tài sản hữu hình chiếm phần lớn giá trị của doanh nghiệp, và được coi là có vai trò quyết định đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Trong những năm gần đây, tình hình đã có nhiều thay đổi. Nhờ cuộc cách mạng công nghệ thông tin và sự phát triển của nền kinh tế dịch vụ, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng tài sản vô hình của họ có giá trị lớn hơn so với các tài sản hữu hình.
Một cách thức quan trọng để thực hiện được việc này là bảo hộ pháp lý các tài sản vô hình và đăng ký và duy trì quyền sở hữu trí tuệ, nếu thỏa mãn các điều kiện về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ có thể có được, đặc biệt là đối với các loại tài sản vô hình sau:
- Sản phẩm hoặc quy trình có tính sáng tạo (thông qua việc bảo hộ sáng chế hay giải pháp hữu ích);
- Tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và văn học (ở một số nước còn bảo hộ cả phần mềm máy tính và bộ sưu tập tài liệu) (thông qua việc bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan);
- Các kiểu dáng sáng tạo, kể cả kiểu dáng đối với sản phẩm dệt may (thông qua việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp);
- Các dấu hiệu có tính phân biệt (phần lớn là thông qua việc bảo hộ nhãn hiệu, bao gồm nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận; tuy nhiên, có những dấu hiệu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý);
- Mạch tích hợp điện tử (thông qua việc bảo hộ thiết kế bố trí hoặc mạch tích hợp bán dẫn);
- Tên gọi của hàng hóa có chất lượng hoặc danh tiếng nhất định được tạo nên do xuất xứ địa lý (thông qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý)
- Bí mật thương mại (thông qua việc bảo hộ thông tin bí mật có giá trị thương mại).
Bảo hộ sở hữu trí tuệ là một hình thức đầu tư
Việc đầu tư đúng đắn là rất quan trọng để nâng cao giá trị thị trường của doanh nghiệp. Việc đầu tư vào thiết bị, tài sản, phát triển sản phẩm, tiếp thị và nghiên cứu có thể cải thiện mạnh mẽ tình hình tài chính của công ty thông qua việc mở rộng tài sản hiện có và nâng cao năng suất trong tương lai. Việc có được quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể mang lại hiệu quả tương tự. Thị trường sẽ định giá doanh nghiệp trên cơ sở những tài sản của nó, tình hình kinh doanh hiện tại và kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai. Kỳ vọng về lợi nhuận trong tương lai có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc sở hữu các bằng độc quyền sáng chế quan trọng. Tương tự, một nhãn hiệu đẹp có uy tín với khách hàng cũng có thể làm tăng giá trị hiện tại của doanh nghiệp và có vai trò quyết định giúp sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng. Do vậy, việc đầu tư vào xây dựng hồ sơ quản lý sở hữu trí tuệ tốt sẽ quan trọng hơn là sử dụng biện pháp phòng thủ trước các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Đó là biện pháp nâng cao giá trị thị trường và khả năng sinh lợi cho công ty của bạn trong tương lai.
Giá trị của tài sản trí tuệ
Một điểm cực kỳ quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nó biến những tài sản vô hình thành các quyền sở hữu độc quyền, dù chỉ trong một thời hạn nhất định. Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho phép doanh nghiệp có được quyền sở hữu đối với các tài sản vô hình và khai thác tối đa tiềm năng của những tài sản này. Tóm lại, bảo hộ sở hữu trí tuệ làm cho các tài sản vô hình “trở nên hữu hình hơn” bằng cách biến các tài sản đó thành tài sản độc quyền có giá trị mà có thể trao đổi trên thị trường.
Nếu các ý tưởng đổi mới, kiểu dáng sáng tạo và nhãn hiệu có sức hấp dẫn lớn của doanh nghiệp bạn không được bảo hộ pháp lý bằng các quyền sở hữu trí tuệ thì chúng có thể bị doanh nghiệp khác sử dụng một cách hợp pháp và miễn phí. Tuy nhiên, khi được bảo hộ bởi các quyền sở hữu trí tuệ, chúng sẽ mang lại những giá trị cụ thể cho doanh nghiệp vì các đối tượng này đã trở thành các quyền tài sản – do đó, không thể bị thương mại hóa hoặc sử dụng mà không có sự cho phép của bạn.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư, nhà môi giới chứng khoán, nhà tư vấn tài chính hiểu rõ thực trạng này và bắt đầu định giá cao cho các tài sản trí tuệ. Các doanh nghiệp trên toàn thế giới cũng ngày càng nhận thức được giá trị của tài sản trí tuệ, và đôi khi còn đưa loại tài sản này vào trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã bắt đầu thực hiện các cuộc kiểm toán công nghệ và sở hữu trí tuệ thường xuyên. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nhận thấy rằng trên thực tế tài sản trí tuệ có giá trị lớn hơn rất nhiều so với tài sản vật chất. Điều này thường xảy ra với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có tính sáng tạo và trí tuệ cao hoặc các doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng.
Kiểm toán sở hữu trí tuệ
Có một cách giúp doanh nghiệp của bạn đạt được vị trí tốt hơn nhằm hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của tài sản trí tuệ và khai thác đầy đủ giá trị của các tài sản này là thực hiện kiểm toán sở hữu trí tuệ. Lý tưởng nhất là việc này được thực hiện bởi các kiểm toán viên sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp; tuy nhiên, việc kiểm toán sở hữu trí ban đầu thường do chính doanh nghiệp thực hiện. Việc kiểm toán sở hữu trí tuệ thường bao gồm các công việc như xác định, giám sát, định giá các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp để bảo đảm rằng bạn đã sử dụng tối đa các tài sản này. Bằng việc kiểm toán, doanh nghiệp của bạn có thể đưa ra các quyết định đúng đắn khi:
– Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ: Việc hiểu rõ các tài sản trí tuệ của công ty và giá trị của chúng sẽ giúp bạn quyết định xem nên đăng ký bảo hộ và duy trì loại quyền sở hữu trí tuệ nào và cách thức quản lý tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
– Mua lại và sáp nhập: Hiểu rõ doanh nghiệp của bạn đang sở hữu có thể giúp nâng cao đáng kể giá trị của doanh nghiệp. Sở dĩ như vậy là vì các nhà đầu tư sẽ định giá doanh nghiệp dựa trên sự kỳ vọng lợi nhuận đạt được trong tương lai mà, ở mức độ nhất định, thu được từ việc khai thác các quyền sở hữu trí tuệ.
– Chuyển giao quyền sử dụng: Doanh nghiệp của bạn có thể tăng doanh thu bằng cách chuyển giao quyền sử dụng tài sản trí tuệ cho bên thứ ba.
– Cầm cố/thế chấp: Trong một số trường hợp, hồ sơ quản lý tài sản trí tuệ được xây dựng tốt có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp. Trong trường hợp này, người cho vay sẽ dùng tài sản trí tuệ của bạn để xác định giá trị tín dụng của doanh nghiệp bạn.
– Thực thi: Hiểu rõ giá trị của tài sản trí tuệ sẽ giúp doanh nghiệp bạn đưa ra các quyết định về việc liệu có cần phải áp dụng các biện pháp để chống lại các hành vi xâm phạm quyền và cách thức sẽ áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể.
– Giảm chi phí: Hồ sơ quản lý tài sản trí tuệ tốt sẽ giúp bạn biết được các tài sản trí tuệ nào đã hết thời hạn hiệu lực bảo hộ (cho phép bạn giảm bớt chi phí duy trì tài sản trí tuệ), tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác v.v.. Và điều này sẽ chắc chắn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí.
Bằng cách xây dựng thói quen phát hiện và nuôi dưỡng các tài sản trí tuệ, cũng như sử dụng những tài sản đó một cách có chiến lược, doanh nghiệp có thể nâng cao doanh thu của mình, tạo ra lợi thế so với đối thủ cạnh tranh và tạo dựng được vị trí vững chắc trên thị trường. Đây chính là những chiến lược giúp nâng cao giá trị thị trường của doanh nghiệp.
DVM tích hợp tổng thể các loại hình dịch vụ Digital Marketing (Google Ads, Facebook Marketing, Content Marketing…) vào quy trình chất lượng giúp cho doanh nghiệp phát triển, quảng cáo thương hiệu