Tại sao phải đăng ký sáng chế? Điều kiện đăng ký sáng chế như thế nào?

5/5 - (11 bình chọn)

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình, sáng chế ra đời nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên, sáng chế được bảo hộ dưới hình thức đăng ký sáng chế độc quyền. Đăng ký sáng chế không phải là nghĩa vụ bắt buộc mà đó là quyền của tổ chức, cá nhân trực tiếp tạo ra hoặc đầu tư tạo ra sáng chế. Vậy tại sao phải đăng ký sáng chế?

Tại sao phải đăng ký sáng chế

1. Đăng ký sáng chế là gì?

Đăng ký sáng chế là việc chủ sở hữu tiến hành thủ tục pháp lý cần thiết để chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của sáng chế thông qua việc tiến hành thủ tục đăng ký sáng chế tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Ai có quyền đăng ký sáng chế?

Chủ thể đáp ứng các điều kiện sau đây có quyền đăng ký sáng chế, cụ thể như sau:

  • Sáng chế được tạo ra bằng chính công sức và chi phí của người sáng chế;
  • Tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư kinh phí, các phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác);
  • Cá nhân, tổ chức cùng nhau thực hiện tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sản phẩm sáng chế đó thì đều có quyền đăng ký;
  • Sáng chế được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất, kỹ thuật hoặc từ kinh phí của ngân sách nhà nước;
  • Trường hợp sáng chế đó được tạo ra trên cơ sở do Nhà nước hỗ trợ đầu tư toàn bộ từ kinh phí, phương tiện vật chất kỹ thuật thì khi đó quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước;
  • Trường hợp sáng chế đó được tạo ra trên cơ sở do Nhà nước hỗ trợ góp vốn thì một phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ góp vốn sẽ thuộc về Nhà nước;
  • Trong trường hợp sáng chế được tạo ra trên cơ sở có sự hợp tác, nghiên cứu giữa đơn vị là tổ chức, cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân khác thì một phần quyền đăng ký sáng chế sẽ được tính tương ứng với tỷ lệ đóng góp của cơ quan, tổ chức nhà nước trong việc hợp tác đó.

3. Điều kiện đăng ký sáng chế như thế nào?

Sáng chế được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện sau:

Có tính mới

+ Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.

+ Sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.

+ Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật SHTT hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người đó bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp tại Việt Nam trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày bộc lộ.

+ Quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật SHTT cũng áp dụng đối với sáng chế được bộc lộ trong đơn đăng ký sở hữu công nghiệp hoặc văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp công bố trong trường hợp việc công bố không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc đơn do người không có quyền đăng ký nộp.

Có trình độ sáng tạo

+ Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

+ Giải pháp kỹ thuật là sáng chế được bộc lộ theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 60 của Luật này không được lấy làm cơ sở để đánh giá trình độ sáng tạo của sáng chế đó.

Có khả năng áp dụng công nghiệp

Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

4. Tại sao phải đăng ký sáng chế?

Việc đăng ký bảo hộ sáng chế cho chủ sở hữu sẽ mạng lại rất nhiều lợi ích trên thực tế. Có thể liệt kê 1 số lợi ích sau:

  • Chứng minh được quyền sở hữu hợp pháp (ai là chủ sở hữu) của sáng chế khi có tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu;
  • Ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có bất kỳ 1 bên nào có dấu hiệu xâm phạm quyền. Ví dụ: Sử dụng trái phép sáng chế khi chưa được sự đồng ý từ chủ sở hữu;
  • Được pháp luật bảo vệ trước hành vi xâm phạm của bên thứ 3;
  • Liên kết với bên khác để ứng dụng sáng chế vào sản xuất ra sản phẩm để thu lợi ích từ việc kinh doanh;
  • Cho phép bên khác sử dụng sáng chế để sản xuất trên cơ sở thu phí sử dụng
  • Được độc quyền sở hữu và sử dụng sáng chế trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Có rất nhiều lợi ích từ việc đăng ký sáng chế, trong phạm vi bài viết này tác giả xin trình bày 1 số lợi ích tiêu biểu nêu trên để chủ sở hữu tham khảo và cân nhắc việc đăng ký trong thời gian sớm nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *